Table of Contents
Bệnh nghề nghiệp là gì?
Định nghĩa Bệnh nghề nghiệp được giải thích tại Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Theo đó, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm nếu mắc các bệnh thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp gây ra.
Bên cạnh giải thích bệnh nghề nghiệp là gì, Bộ Y tế cũng đã ban hành Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là căn cứ để người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng Bảo hiểm xã hội mới nhất hiện nay
Căn cứ Thông tư 15/2016/TT-BYT, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội bao gồm 34 bệnh sau đây:
- Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp;
- Bệnh bụi phổi amiăng;
- Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp;
- Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp;
- Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp;
- Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp;
- Bệnh hen nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng;
- Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp;
- Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp;
- Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn;
- Bệnh giảm áp nghề nghiệp;
- Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân;
- Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ;
- Bệnh phóng xạ nghề nghiệp;
- Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp;
- Bệnh nốt dầu nghề nghiệp;
- Bệnh sạm da nghề nghiệp;
- Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm;
- Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài;
- Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su;
- Bệnh Leptospira nghề nghiệp;
- Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp;
- Bệnh lao nghề nghiệp;
- Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;
- Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp;
- Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp;
Quy định hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp mới nhất
Dưới đây là những quy định về trợ cấp bệnh nghề nghiệp mà người lao động cần nắm
Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Những điều kiện được áp dụng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm có:
Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh.
Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Trong quá trình làm việc, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như phòng ngừa và phát hiện bệnh nghề nghiệp. Nếu người lao động không may mắc bệnh nghề nghiệp thì mức hưởng sẽ như sau:
Từ người sử dụng lao động
Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thì khi có người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải:
Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:
+ Khoản đồng chi trả và các khoản không do BHYT chi trả đối với người tham gia BHYT;
+ Phí giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp suy giảm dưới 5%;
+ Toàn bộ chi phí y tế đối với người không tham gia BHYT;
Trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng lao động;
Bồi thường:
+ Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm từ 11% đến 80%;
+ Ít nhất 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết;
Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.
Từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Trợ cấp một lần nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%:
+ Suy giảm 5% thì hưởng 05 lần mức lương cơ sở. Sau đó cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Trợ cấp hàng tháng nếu suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên:
+ Suy giảm 31% thì hưởng 30% mức lương cơ sở. Sau đó cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Trợ cấp phục vụ nếu suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị tâm thần. Mức trợ cấp bằng mức lương cơ sở.
Trợ cấp một lần khi chết: Người lao động chết do mắc bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc, trong thời gian điều trị lần đầu hoặc điều trị bệnh tật thì mức trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở..
Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Ngoài các khoản nêu trên, người lao động bị bệnh nghề nghiệp mà tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình tùy theo tình trạng bệnh tật.
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị:
+ Trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động không đảm bảo thì được nghỉ dưỡng sức từ 05 đến 10 ngày:
* Tối đa 10 ngày nếu suy giảm từ 51% trở lên;
* Tối đa 07 ngày nếu suy giảm từ 31% đến 50%;
* Tối đa 05 ngày nếu suy giảm từ 15% đến 30%.
+ Mỗi ngày nghỉ dưỡng sức được hưởng:
* 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ tại gia đình;
* 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.
Quy trình nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Để được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và tiến hành các thủ tục theo quy định.
Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm những gì?
Để được hưởng các quyền lợi cho chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải có hồ sơ gồm các giấy tờ:
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại do cơ quan có thẩm quyền lập. Với trường hợp bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì thay bằng Biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg.
- Giấy ra viện nếu điều trị nội trú sau khi điều trị ổn định; Giấy khám hoặc Phiếu hội chẩn nếu điều trị ngoại trú. Với người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa (bản chính).
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động lập (theo mẫu số 05-HSB).
Thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Bảo hiểm bệnh nghề nghiệp
- Người mắc bệnh nghề nghiệp chuẩn bị đủ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên.
- Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
- Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ từ đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động.
Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi bị bệnh
- Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định chưa phục hồi, người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH.
- Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận danh sách, cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động.
- Trong vòng 05 ngày, kể từ ngày nhận tiền từ cơ quan BHXH, người sử dụng lao động tổ chức chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.
Thời điểm hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Người lao động sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi điều trị xong, ra viện hoặc khi có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú. Riêng với trường hợp người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng tính từ tháng được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Việc trang bị thông tin về bệnh nghề nghiệp đối với người lao động là cần thiết. Tuy nhiên, trên tất cả, người lao động cần bảo vệ bản thân mình và phòng ngừa các tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra, đó mới là điều quan trọng nhất.
Để tránh mắc bệnh nghề nghiệp cũng như tự bảo vệ mình tại nơi làm việc, người lao động cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cơ bản cũng như biết được các chế độ nếu không tránh được bệnh để đảm bảo quyền lợi cho mình.